Chiều ngày 18 tháng 4 năm 2025, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đón tiếp và làm việc với hai chuyên gia tâm lý và giáo dục đặc biệt của Hà Lan.
Về phía đoàn Hà Lan có chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt Han van Esch và TS. Marja W. Hodes, chuyên gia tâm lý học lâm sàng và can thiệp sớm. Hai chuyên gia đã cùng con trai có 3 năm sống và làm việc tại Việt Nam, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong dự án xây dựng và phát triển chuyên ngành giáo dục đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ (từ năm 1998 đến năm 2001).
Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Đinh Minh Hằng - Trưởng phòng Hành chính đối ngoại; PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu - Phụ trách Viện Khoa học Xã hội; TS. Đinh Nguyễn Trang Thu - Phó trưởng Khoa Giáo dục Đặc biệt; cùng các thầy cô và cán bộ là thành viên, cộng tác viên thuộc Viện Khoa học Xã Hội - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu khai mạc chương trình làm việc, PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường chia sẻ niềm vui và sự cảm kích đối với chuyến thăm và làm việc lần này của hai chuyên gia Hà Lan tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền đã điểm lại những đóng góp quan trọng của hai chuyên gia đối với việc hình thành và phát triển của Khoa Giáo dục đặc biệt hiện nay, đặc biệt là sự phát triển của chuyên ngành can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật trí tuệ; những đóng góp của hai chuyên gia không chỉ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà còn trải rộng khắp cả nước. PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền cũng nhắc nhớ lại kỷ niệm thầy từng gặp gỡ và làm việc với hai chuyên gia vào năm 2000 - trong thời gian hai chuyên gia đang tư vấn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt Han van Esch xúc động cảm ơn và chia sẻ hành trình làm việc 3 năm tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và những kết quả đào tạo, xuất bản, tài liệu phục vụ công tác đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Sau 3 năm tư vấn tại Việt Nam, trở về nước ông là thành viên ban điều hành của Tổ chức Chăm sóc Philadelphia, một tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người có khuyết tật trí tuệ và phát triển tại Hà Lan. Trở lại thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần này ông rất vui chứng kiến sự phát triển của nhà trường nói chung và ngành giáo dục đặc biệt nói riêng. Ông sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tiếp tục đào tạo và tư vấn cho sự phát triển của Viện Khoa học xã hội, các khoa chuyên ngành của trường và dịch vụ can thiệp trẻ/người khuyết tật tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
TS. Marja W. Hodes, chuyên gia tâm lý học lâm sàng và can thiệp sớm cũng xúc động cảm ơn sự đón tiếp nồng ấm và rất tình cảm của nhà trường. Bà cũng chia sẻ hành trình đã giúp phát triển lĩnh vực can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật tại Việt Nam trong 3 năm cùng chồng và con trai sinh sống, tư vấn tại Việt Nam. Bà vẫn nhớ những tài liệu và tác phẩm chuyên môn bà từng hỗ trợ tác giả Việt Nam viết, xin bản quyền và xuất bản (Sách Đại cương can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, bộ sách Từng bước nhỏ,…). Hiện nay bà là thành viên ban điều hành của Nhóm Nghiên cứu về Nuôi dạy con thuộc Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Khoa học trong lĩnh vực Khuyết tật Trí tuệ và Phát triển (IASSIDD); trưởng nhóm các nhà tâm lý học tại tổ chức dịch vụ ASVZ của Hà Lan, thuộc bộ phận Dịch vụ Gia đình; từ năm 2004 đến nay, bà là Chủ tịch của Tổ chức Hội chứng Down Hà Lan. Bà vui mừng trước sự phát triển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và lĩnh vực can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt tại Việt Nam. Bà ngỏ ý sẽ hỗ trợ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hỗ trợ Viện Khoa học Xã hội mở rộng mối quan hệ hợp tác với Hà Lan, với các tổ chức quốc tế bà đang là thành viên. Bà sẽ chia sẻ và hỗ trợ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về chuyên môn trong cả nghiên cứu, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên và hoạt động thực hành/cung cấp dịch vụ.
Đại diện Viện Khoa học xã hội, đơn vị chịu trách nhiệm đón tiếp đoàn và tổ chức tập huấn với hai chuyên gia, PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu chân thành cảm ơn nhà trường và chuyên gia đồng thời chia sẻ với chuyên gia về sứ mệnh, tầm nhìn, chức năng và nhiệm vụ của Viện Khoa học Xã hội; Viện là đơn vị kết nối các nhà khoa học ở các khoa, các đơn vị trong nhà trường cùng triển khai những hoạt động khoa học công nghệ theo hướng tiếp cận liên ngành, đổi mới sáng tạo. PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu cũng nhấn mạnh mong đợi được hai chuyên gia tiếp tục hợp tác, tư vấn để Viện Khoa học Xã hội có thể tổ chức các khóa tập huấn và triển khai các hoạt động nghiên cứu, dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, có bằng chứng, cập nhật.
TS. Đinh Nguyễn Trang Thu - Phó trưởng Khoa Giáo dục Đặc biệt đã đại diện khoa cảm ơn hai chuyên gia, TS. Đinh Nguyễn Trang Thu cũng chia sẻ những đóng góp của hai chuyên gia đối với sự hình thành và phát triển Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những đóng góp chuyên môn của hai chuyên gia đã là nền tảng vững chắc đối với sự phát triển của Khoa Giáo dục đặc biệt. Hiện nay các giảng viên, sinh viên vẫn nhắc tới hai chuyên gia và đồng thời đang thụ hưởng những gì hai chuyên gia đóng góp, đào tạo. TS. Đinh Nguyễn Trang Thu cũng bày tỏ nguyện vọng khoa tiếp tục được hợp tác trong mọi hoạt động chuyên môn với hai chuyên gia.
Các giảng viên là cộng tác viên của Viện Khoa học Xã hội đến từ khoa Quản lý Giáo dục, Công tác xã hội và Giáo dục đặc biệt cũng đã bày tỏ và chia sẻ những ý tưởng hợp tác nghiên cứu, phát triển chuyên môn, tập huấn/đào tạo thuộc lĩnh vực can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ hiện nay với hai chuyên gia.
Kết thúc chương trình làm việc, PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền cảm động chia sẻ: “Đây không chỉ là buổi làm việc mà còn là buổi hội ngộ gia đình - sự trở về nhà của hai thành viên thuộc gia đình lớn HNUE!”. PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền cũng tổng kết một số lĩnh vực hai bên sẽ cùng hợp tác và bày tỏ mong muốn hai chuyên gia tiếp tục tư vấn, hỗ trợ cho các hoạt động chuyên môn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: (1) Viện Khoa học Xã hội sẽ là đầu mối triển khai hợp tác khoa học sâu rộng với hai chuyên gia và các tổ chức chuyên môn của Hà Lan, của quốc tế mà hai chuyên gia kết nối hợp tác với nhà trường. (2) Tiếp tục hợp tác xây dựng và triển khai các khoá tập huấn nâng cao trình độ về đánh giá, can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt, giáo dục hoà nhập về rối loạn phát triển và khuyết tật tại Việt Nam. (3) Hợp tác triển khai các nghiên cứu liên ngành, tích hợp công nghệ số và công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế. (4) Hỗ trợ chuyên môn các hoạt động dịch vụ liên ngành tại Trung tâm đào tạo và phát triển giáo dục đặc biệt (TDCSE) trực thuộc Viện.
Chương trình làm việc diễn ra thành công và khép lại với tình cảm chân thành, nồng ấm cùng với sự nhất trí cao giữa lãnh đạo nhà trường và hai chuyên gia về các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Một số hình ảnh của chương trình làm việc:
Bài: Viện KHXH, ảnh: P.HCĐN