Chiều ngày 4/7/2025, trong khuôn khổ thúc đẩy hợp tác quốc tế và giao lưu học thuật, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (HNUE) đã có buổi tiếp đón và làm việc với đoàn đại biểu đến từ Đại học Ateneo de Manila – một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu tại Philippines (Top 500 thế giới, QS World University Rankings, 2025).
Về phía Đại học Ateneo de Manila University có sự tham dự của TS. Czarina A. Saloma-Akpedonu, Hiệu trưởng Trường Khoa học Xã hội RGLSOSS; TS. Diana J. Mendoza, Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu và Khu vực RLIGAS; Ông Javier Rico Israel R. Tionloc, Điều phối viên Sáng kiến Đông Nam Á AISEAS và 13 sinh viên đến từ Trường KHXH RGLSOSS.
Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Phạm Thị Ngọc Quỳnh, Phó Viện trưởng, Viện Giáo dục & Đào tạo Quốc tế; PGS.TS Hoàng Hải Hà, Phó Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ; TS. Hồ Công Lưu, Phó Trưởng phòng Hành chính - Đối ngoại; TS. Vũ Đức Liêm, Phó Trưởng khoa Lịch sử; TS. Lương Thị Hiền, Phó Trưởng khoa Ngữ văn; TS. Tiêu Thị Mỹ Hồng, Phó Trưởng khoa LLCT-GDCD; TS. Nguyễn Duy Chinh, Giảng viên khoa Lịch sử và các sinh viên đến từ khoa Lịch sử.
Mở đầu chương trình, PGS. TS. Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời chào mừng tới Đại học Ateneo de Manila (Philippines) đã đến thăm và làm việc tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành và các thành tích nổi bật của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đồng thời, Thầy nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên hai bên. Buổi gặp gỡ là dịp để hai trường hiểu hơn về nhau, cùng trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
PGS. TS. Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ tại buổi làm việc
Tiếp theo chương trình, đại diện Đại học Ateneo de Manila (Philippines), TS. Czarina A. Saloma-Akpedonu, Hiệu trưởng Trường Khoa học Xã hội RGLSOSS cũng bày tỏ vinh hạnh khi đến thăm và làm việc tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà chia sẻ Đại học Ateneo de Manila là một hệ thống giáo dục lớn gồm 9 trường thành viên, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Trong thời gian tới, Đại học Ateneo de Manila mong muốn thúc đẩy kết nối giữa các khoa đào tạo và viện nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với các đơn vị trực thuộc của mình nhằm mở ra những cơ hội hợp tác thiết thực và lâu dài cho giảng viên, sinh viên hai bên.
TS. Czarina A. Saloma-Akpedonu, Hiệu trưởng Trường Khoa học Xã hội RGLSOSS phát biểu tại chương trình
Tại buổi làm việc, hai bên đã lần lượt có những thảo luận thiết thực, nhấn mạnh mong muốn tăng cường hợp tác học thuật, giao lưu sinh viên và nghiên cứu trong tương lai. Hai nhà trường chia sẻ về định hướng phát triển học thuật, cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi sinh viên, cũng như những chủ đề học thuật quan trọng như lịch sử cách mạng, chuyển hóa xã hội và phát triển khu vực Đông Nam Á.
Tiếp theo là phần trình bày chuyên đề của TS. Vũ Đức Liêm – Phó Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội, với chủ đề: “Revolution and Transformation in Modern Vietnam”. Bài trình bày cung cấp cái nhìn tổng quan và sâu sắc về lịch sử cách mạng Việt Nam, quá trình hình thành nhà nước hiện đại và vai trò của các phong trào giải phóng dân tộc. Những phân tích dựa trên bối cảnh Đông Nam Á đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới, tạo nên sự tương tác sôi nổi giữa các nhà khoa học hai bên.
TS. Vũ Đức Liêm, Phó Trường khoa Lịch sử cùng bài thuyết trình với chủ đề “Revolution and Transformation in Modern Vietnam”
Sau phần thuyết trình, các sinh viên của Đại học Ateneo de Manila đã tích cực đặt câu hỏi, trao đổi và bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề lịch sử, chính trị và văn hóa – kinh tế Việt Nam. Nhiều câu hỏi xoay quanh lịch sử, giáo dục, chính trị khu vực và hợp tác liên ngành đã được đặt ra. Những câu hỏi sâu sắc từ sinh viên đã góp phần tạo nên không khí thảo luận sôi nổi, cởi mở và đầy tính học thuật. Đây cũng là dịp để các sinh viên hai bên cùng mở rộng góc nhìn, hiểu thêm về bối cảnh khu vực và vai trò của Việt Nam dưới lăng kính lịch sử và địa lý ở khu vực Đông Nam Á.
Phần hỏi – đáp, thảo luận mở xoay quanh nội dung lịch sử, giáo dục, chính trị khu vực và hợp tác liên ngành
Kết thúc chương trình, hai Nhà trường cam kết sẽ tiếp tục xúc tiến các hoạt động nhằm tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ, tạo nền tảng cho việc hiện thực hóa các chương trình hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Các hoạt động dự kiến sẽ tập trung vào trao đổi sinh viên/cán bộ, đồng tổ chức hội thảo quốc tế và xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học mang tính liên ngành và xuyên ngành..
Một số hình ảnh tại chương trình.:
Tin bài và ảnh: Viện Giáo dục và Đào tạo Quốc tế